Hợp phần Hiện đại hóa tưới của dự án VWRAP Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thiết lập và thực hiện Dự án Hỗ trợ Thuỷ lợi Việt Nam (VWRAP) gồm 4 hợp phần với tổng kinh phí đầu tư là 176,5 triệu USD. Dự án VWRAP có 3 mục tiêu phát triển chính: 1. Thúc đẩy đa dạng hoá và tăng cường sản xuất nông nghiệp thông qua việc hiện đại hoá hệ thống tưới và từ đó nâng cao thu nhập các nông hộ và giảm nghèo nông thôn. 2. Thành lập các hệ thống quản lý an toàn đập một cách có hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro về an toàn đập. 3. Thúc đẩy quản lý bền vững về môi trường và quản lý nguồn nước ở lưu vực sông Thu Bồn. Kinh phí phân bổ cho hợp phần Hiện đại hoá hệ thống tưới (154,7 triệu USD): Hiện đại hoá cơ sở hạ tầng và quản lý cho 6 hệ thống tưới lớn của Việt Nam. Hợp phần Hiện đại hóa tưới của dự án VWRAP: Trong những năm qua, nhiều hệ thống tưới ở Việt Nam không đảm bảo năng lực cung cấp nước theo như thiết kế chủ yếu là do cơ sở hạ tầng bị xuống cấp với các nguyên nhân chính bao gồm: chất lượng và tiêu chuẩn xây dựng thấp, công tác duy tu bảo dưỡng kém, thiếu cơ chế khuyến khích và nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với các Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi (IMCs). Dự án VWRAP đã xác định và giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả quản lý yếu kém bằng cách tập trung vào việc nâng cấp quản lý hệ thống, tăng cường sự tham gia của người dân và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để cho phép IMCs cung cấp các dịch vụ tốt hơn. Trước đây, Chính phủ Việt Nam chỉ mới tập trung vào việc khôi phục các hệ thống nhằm đảm bảo được những tiêu chuẩn thiết kế ban đầu mà chưa xem xét, xử lý các vấn đề về quản lý – đó mới chính là các vấn đề làm cho các hệ thống tưới hoạt động ở mức dưới năng lực thiết kế, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Trong dự án VWRAP, cả cơ sở hạ tầng lẫn quản lý hệ thống đều được nâng cấp với các tiêu chuẩn hiệu quả vận hành cao hơn. Hợp phần Hiện đại hoá hệ thống tưới của dự án VWRAP đã đầu tư cho việc nâng cấp, xây dựng hàng loạt các công trình trong đó có các hệ thống SCADA nhằm đạt được các mục tiêu sau: 1. Các hệ thống tưới linh hoạt hơn, tin cậy hơn với một hệ thống phân phối nước công bằng; 2. Sử dụng tốt hơn dung tích trữ nước của hồ chứa; 3. Giảm tổn thất do thấm trên các kênh tưới; 4. Tính toán phân tích cân bằng nước làm cơ sở cho việc đánh giá tính khả thi, nâng cao năng lực chuyển nước của các kênh chính nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai; 5. Hoàn thiện các hệ thống phân phối nước tưới và tiêu đến tận mặt ruộng. Ngân hàng Thế giới đã thiết lập các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả dự án nhằm đánh giá các mục tiêu của dự án VWRAP. Hợp phần hiện đại hóa tưới của dự án VWRAP có 2 chỉ tiêu dánh giá hiệu quả: 1. Diện tích thu thủy lợi phí của Cty KTCTTL phải đạt được 75% diện tích yêu cầu tưới theo thiết kế trong vụ tưới cao điểm; 2. Thực hiện các kế hoạch quản lý toàn diện cho mỗi hệ thống. Hợp đồng dịch vụ cấp nước theo thể tích cho các hộ dùng nước chiếm 25% diện tích tưới. Hợp phần hiện đại hóa tưới đã cải tạo và hiện đại hoá các công trình hạ tầng cơ sở và công tác quản lý của 6 hệ thống thủy lợi. Các công trình thuỷ lợi được nâng cấp để phân phối nước một cách tin cậy, linh hoạt, hiệu quả và công bằng. Điều này sẽ đạt được thông qua việc cải tạo các kênh bị xuống cấp, lắp đặt mới các công trình kiểm soát nước và đo lưu lượng và phát triển hệ thống kênh cấp dưới… Từ năm 2008 đến năm 2012 Dự án Hỗ trợ thủy lợi Việt Nam (VWRAP) đã nghiên cứu, thiết kế 4 mô hình công nghệ GS&ĐK khác là BCEOM1 SCADA (được ứng dụng ở HTT Yên Lập, BCEOM2 SCADA (được ứng dụng ở HTT Cầu Sơn - Cấm Sơn và HTT Kè Gỗ), HASKONING SCADA (được ứng dụng ở HTT Phú Ninh, Đá Bàn), BRLI SCADA (được ứng dụng ở HTTL Dầu Tiếng)… Hiện đại hóa các công trình hạ tầng sẽ tạo điều kiện cho các công ty KTCTTL cung cấp được nhiều nước hơn để đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước khác nhau như nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp và tạo điều kiện để nâng cấp năng lực điều hành quản lý nguồn nước. Vấn đề an toàn đập khi cấp nước cho các hệ thống sẽ được cải thiện thông qua công tác sửa chữa đập, chẳng hạn như bổ xung các đập tràn sự cố, gia cố mái kênh, cơ khí hóa cửa tràn và sửa chữa các công trình lấy nước. Hợp phần hiện đại hoá hệ thống tưới cũng nhằm mục đích nâng cấp quản lý hệ thống, giúp cho các công trình mới nâng cấp được sử dụng một cách có hiệu quả. Mỗi một Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi của tỉnh sẽ lập và thực hiện các kế hoạch toàn diện bao gồm vận hành, duy tu và quản lý tài chính. Một chương trình quản lý tưới có sự tham gia của người dân (PIM) sẽ được xây dựng cho từng tiểu dự án, theo đó các nhóm hộ dùng nước (WUG) sẽ được thành lập, và họ sẽ được ký hợp đồng cung cấp nước theo thể tích với các Cty KTCTTL, thông qua đó tăng cường trách nhiệm của Cty KTCTTL. Các WUG cũng sẽ có đại diện trong Ban quản lý của Cty KTCTTL...
|